Chào mọi người hôm nay Tú sẽ tiếp tục đánh giá giống nấm Hồng chi Nhật Bản được nuôi trồng tại Việt Nam, bài đánh giá trên tay này để mọi người hiểu rõ về một số giống linh chi nước ngoài được nuôi trồng trực tiếp trong nước.
Nấm linh chi Nhật Bản (giống nấm Hồng chi Nhật)
1. Giới thiệu
Hiện nay nước ta cũng đã trồng được một số loại linh chi nước ngoài với số lượng không nhiều lắm vì người tiêu dùng vẫn chưa biết rõ về các giống nấm nhập ngoại này.
Đáng ra Tú không đánh giá giống nấm này đâu, nhưng có thấy bên “Hoàng Gia” (đây cũng là thương hiệu lớn về linh chi đấy mọi người) họ có bán loại nấm này nên Tú sẽ chia sẻ một số đặc điểm của loại Hồng chi Nhật này.
Nhưng trước khi vào phần đánh giá mọi người nên lưu ý điều này, giống nấm linh chi Nhật có nhiều loại như Fuji; Nassan… nhưng Tú thấy chưa phổ biến nên sẽ dùng giống Hồng chi Nhật này để đánh giá.
Mỗi giống nấm đều có đặc điểm riêng nên mọi người đừng quá đặt nặng vấn đề nấm phải thế này hay thế kia, quan trọng khi uống vào cơ thể mình có hợp hay không thôi.
Đây là hình ảnh thực tế khi nấm phát triển trên phôi, những hình ảnh này mọi người cũng không thể tìm ra được trên internet đâu.
2. Đánh giá
Đặc điểm của loại nấm này là khác hẳn so với giống linh chi Việt là rất nặng cho dù kích thước có nhỏ hơn và rất cứng, đây cũng là đặc trưng của một số giống nấm nước ngoài, nếu mọi người đã dùng qua các loại nấm linh chi của Hàn Quốc, Nhật sẽ hiểu rõ điều này.
Với kích thước đường kính từ 7 – 10cm (tương đương kích thước linh chi Đà Lạt) nhưng trọng lượng cân được khoảng trên 30g -50g (gấp 2 – 3 lần khối lượng linh chi Việt Nam).
Nếu nhìn sơ qua ở mặt trên và dưới đôi khi sẽ bị nhầm là linh chi Đà Lạt, nhưng loại nấm này tròn hơn giống Đà Lạt nhé mọi người. Mặt trên có một lớp phấn mỏng (hoặc có thể là rất ít), lấy tay lau nhẹ lớp phấn ta sẽ thấy được phần vỏ nấm với màu đỏ sậm.
Mặt dưới có màu vàng chanh nhẹ hoặc trắng đục, nếu mà nhìn sơ qua Tú tin rằng sẽ có rất nhiều người lầm đây là nấm Đà Lạt bị cắt cuống. Đặc điểm nữa là cuống (chân nấm) của loại này rất ngắn gần như là không có, vì sao như nấm Đà Lạt cắt cuống mọi người đã hiểu chưa nào.
Tai nấm dày khoảng 8 – 12mm và thử lấy tay bóp vào thì thấy cứng, nói cứng vậy cũng chưa đủ, để khi chế biến cắt hoặc thái mọi người sẽ hiểu độ cứng của loại nấm này, nấm vẫn có mùi thơm nhẹ nhé mọi người. Quan sát thực tế Tú thấy giống nấm này nhìn rất thích mắt, tương đối là đẹp.
3. Chế biến
Ở loại nấm này Tú khuyên mọi người quên chuyện dùng tay để bẻ đi, Tú cũng đã thử rồi cứng lắm. Nếu mọi người nghĩ tới chuyện dùng kéo hoặc dao thái thì cũng không được đâu, Tú đã phải dùng loại dao lớn (dao để chặt gà) mới có thể chẻ được nấm ra.
Kinh nghiệm là loại nấm này chân ngắn nên có thể lật mặt nào để cắt cũng được, lật mặt dưới của nấm lên rồi dùng dao chặt theo chiều dọc sẽ dễ dàng hơn (nhớ là đặt nấm lên cái thớt). Nếu có thời gian mọi người có thể ngâm nấm vào nước khoảng một tiếng cho mềm ra trước khi cắt lát nhưng như vậy thì quá bất tiện rồi.

Mọi người nên thái theo chiều ngang rồi tách ra theo thớ gỗ như chẻ cây tre vậy sẽ dễ dàng hơn. Bài viết chế biến này mình có hướng dẫn đầy đủ mọi người xem thêm.
Nếu một người uống thì dùng nửa tai nấm là vừa, ở bài này Tú dùng hết nguyên tai để đánh giá, à mọi người sau khi thái lát ra rồi thì chặt các lát nấm nhỏ ra kiểu hạt lựu để khi nấu nước giúp nấm chiết chất ra dễ dàng và nhanh hơn.
Cũng như các loại nấm khác, dùng 1.8 lít nước để nấu nấm, sau khi sôi chúng ta tiếp tục đun nhỏ lửa tầm 10 – 15 phút rồi tắt bếp, lúc này lượng nước còn khoảng 2/3 lúc đầu và nấm cũng chìm hoàn toàn xuống dưới đáy ấm. Do có ít phấn nên nước sau khi nấu sẽ trong hơn so với các loại nấm Việt.
Hương vị dùng có mùi thơm đặc trưng của linh chi và vị đắng vừa phải dễ dùng. Do Tú nấu hết một tai nấm nên sẽ hơi đắng, mọi người nấu nửa tai sẽ có vị đắng nhẹ hơn, còn vẫn khó uống thì cứ cho thêm nước để loãng bớt ra nhé. (Nếu uống nhiều mọi người sẽ thích nấm có vị đắng hơn đấy).
Về cảm nhận cá nhân Tú vẫn thấy như các loại linh chi mà mình đã thử qua là giảm huyết áp, ở khía cạnh này mọi người sau khi dùng sẽ tự đánh giá thì chính xác hơn.
4. Nhận xét
Nấm linh chi Nhật Bản (giống hồng chi) được nuôi trồng trong nước khi chế biến tương đối cực hơn so với linh chi Việt (độ khó tương đối giống các loại linh chi nhập ngoại), sẽ phù hợp với người có thời gian dùng linh chi để thưởng thức như phong cách uống trà.