Khâu đầu tiên của sản xuất nấm đó là làm ra phôi nấm, phôi nấm là nơi để nấm hình thành và phát triển. Trong khâu làm phôi có nhiều công đoạn và những công đoạn này áp dụng trong quá trình sản xuất trên các loại như nấm sò, nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm mộc nhĩ, đông trùng hạ thảo, nấm mối đen, nấm hoàng đế…
1. Phối trộn nguyên liệu
Nguyên liệu chính là mùn cưa bao gồm các loại như cao su, mít, tràm… được sử dụng ở các khu vực phía Nam. Ngoài ra còn có thể dùng rơm, bã mía… được dùng phổ biến ở các khu vực Miền Trung hoặc Miền Bắc.
Mùn cưa được trộn với các nguyên liệu phụ khác như vôi, cám bắp, bột nhẹ… sau đó tưới nước và trộn đều, cuối cùng là đem ủ trong thời gian nhất định từ vài tiếng đến 1 hoặc 2 ngày.
Sau đấy nguyên liệu được sàng lọc lại để loại bỏ tác tạp chất di vật có thể làm rách bịch hoặc gây khó khăn trong quá trình kéo tơ, ra nấm.
2. Vào bịch
Nguyện liệu đã xong chúng ta đóng vào các bịch túi nhựa ni lông, loại túi này sẽ tùy thuộc vào các vùng miền sẽ có các khích thước khác nhau.
Thông thường nguyên liệu sẽ được vào bịch với trọng lượng 1,1 – 1,2kg. Nguyên liệu được nén lại trong túi ở mức độ chặt vừa phải sau đó nhét bông lại ngay cổ bịch.
Trước khi nhét bông chúng ta dùng cái xuyên, đâm lỗ ngay giữa cổ bịch để sau này cấy giống meo vào dễ dàng hơn.
3. Hấp bịch khử trùng
Bịch được cho vào nồi hơi để hấp ở nhiệt độ từ 90 – 100 độ, thời gian từ 10 – 12 tiếng. Tác dụng khử trùng các nấm mốc có hại và chuyển hóa hỗn hợp nguyên liệu thành chất có lợi cho tơ nấm phát triển.
4. Cấy meo giống
Bịch sau khi được để nguội sẽ cấy meo giống vào, lưu ý là bịch không được nóng cấy vào sẽ chết meo và cũng không được để bịch quá lâu (2 – 3 ngày trở đi) khi đấy cấy meo vào sẽ làm ảnh hưởng quá trình kéo tơ rất nhiều.
Meo giống có thể các loại giống như nấm bào ngư xám, nấm sò trắng, nấm mối đen, nấm linh chi, nấm mộc nhĩ…
Cách làm meo giống xem thêm tại đây
5. Ủ bịch
Bịch đã được cấy meo giống xong sẽ được mang đi ủ trong vòng 20 – 30 ngày.
Trại ủ phải kín gió, thông thoáng, không được quá nóng hoặc quá lạnh.
Bịch trắng đều như hình bên dưới là bịch đã đạt và có thể cho ra nấm
Một số hình ảnh về bịch nấm chưa đạt hay bị hư.
Bịch bên dưới bị mốc xanh (hình bên dưới)
Tơ nấm kéo yếu (hình bên dưới)
Bịch phôi bị mốc dại (hình bên dưới)
Những bịch bị hư chúng ta có thể đập ra lấy lại mùn cưa và tái sử dụng lại.
Lưu ý: Các công đoạn trên sẽ được canh chỉnh để phù hợp với từng loại nấm ở từng thời điểm khác nhau.
Tất cả các công đoạn trên đều rất quan trọng, chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình kéo tơ ( bịch kéo trắng tơ sẽ gọi là bịch sống, còn bịch không kéo tơ hoặc bị mốc xanh, đen thì gọi là bịch hư).