Chào mọi người hôm nay chúng ta tiếp tục tìm hiểu về các loại bệnh cũng như những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình trồng nấm bào ngư, và không ít bà con nông dân nuôi trồng số lượng lớn hoặc nuôi trồng nhỏ lẻ đều gặp phải.
Để giảm thiểu rủi ro bây giờ chúng ta bắt đầu tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới giảm năng xuất, hư phôi giống… để giải quyết một cách triệt để. Những nguyên nhân dưới đây thì gần như những người mới trồng nấm đều gặp phải, và khiến mọi người bối rối không biết nguyên nhân xuất phát từ đâu nhưng đôi khi nó lại xuất phát từ những yếu tố rất nhỏ làm chúng ta không để ý.
Danh Mục |
Bệnh trên bịch phôiBệnh trên cây nấm14. Nấm đen, bầm tím, vàng héo Thử nghiệm thực tế và mẹo |
Bệnh ở bịch phôi nấm
1. Phôi nấm bị đọng hơi nước
Nguyên nhân: do thời tiết nóng hoặc do môi trường xung quanh bịch nóng oi bức dẫn tới hiện tượng đọng hơi nước bên trong bịch, thường gặp trong quá trình vận chuyển do bịch được chất lên xe tải sau đó được phủ bạt để tránh nắng mưa, cũng có thể do giàn trại bí hơi.
Ví dụ: như vận chuyển bịch phôi đi xa như khoảng 100km trở lên sau khi chất bịch từ xe tải xuống chúng ta sẽ thấy có hơi nước trong bịch và có thể hơi ngả chút màu vàng.
Khắc phục: Nên đi buổi tối đối hoặc sáng sớm với các đoạn đường quá dài, sau khi xe tới nơi phải đưa bịch xuống xe và đi treo ngay lên giàn. Nếu treo không kịp hãy chất bịch ở một nơi thật thoáng mát, các hàng bịch không chất cao và sát nhau.
2. Bịch phôi có nhiều nước vàng
Nguyên nhân: Xem lại trường hợp 1 và thường gặp khi vừa lấy phôi về, do thời tiết nóng, hoặc dàn trại phủ quá bạt kín không thông thoáng làm bịch thiếu oxy làm tơ bị ngộp, nhả nước vàng nhiều. Hiện tượng này xuất hiện nhiều ở những trại làm bằng mái tôn và dùng kệ.
Khắc phục: Kéo bạt lên cho thoáng mát trại, có mưa hoặc nắng trực tiếp vào bịch thì phủ bạt xuống lại.
Lưu ý: Nước vàng sẽ làm nấm khó ra hoặc xấu ở một số đợt đầu.
3. Phôi nấm bị ngả màu hơi vàng và mốc xanh
Bịch có dấu hiệu bị ngả màu sang vàng từ từ và không có khả năng phục hồi kéo tơ trắng. Khoảng 1 – 2 tuần sau xuất hiện mốc xanh. Nguyên nhân do bị dập tơ quá nặng kèm theo yếu tố thời tiết nóng hầm hơi như đã nói ở trường hợp 1 và 2.
Khắc phục: Hạn chế vận chuyển xê dịch bịch trong nhiều lần và phải treo ngay bịch sau khi cho xuống xe, thời gian này giữ trại luôn thoáng mát.
4. Bịch bị vàng và đen đầu
Người nuôi trồng: Với tâm lý muốn nấm ra nhanh và không nắm vững kỹ thuật nhiều người đã ép bịch nấm để có thể thu thành phẩm sớm trong khi bịch chưa đủ tuổi hoặc thời tiết chưa lý tưởng, điều này trực tiếp gây ra hư bịch khi chưa cho nấm hoặc sau khi cho được một đợt hoặc chưa cho ra nấm.
Khắc phục: Rút bông đúng và đủ ngày tùy giống nấm trung bình 60 ngày đối với giống bào ngư dài ngày và 35 ngày đối với giống ngắn này. Không được tưới nước lên bịch khi chưa rút bông.
Meo giống: Nguyên nhân do quá trình lai tạo nhân giống không kỹ dẫn tới thoái hóa.
Khắc phục: Nên chọn lọc kỹ lưỡng con giống trước khi lai tạo và làm đúng kỹ thuật.
Nên xem cách làm meo nấm giống tại đây để hiểu tầm quan trọng của meo giống
5. Bịch mốc xanh ở giai đoạn cho ra nấm
Bịch bị mốc xanh ở cổ trong quá trình đang cho nấm (đa phần mọi người thường gặp vào các lần cho nấm thứ 2 – 3 trở đi).
- Rơi vào trường hợp 4 phía trên do rút bông sớm làm yếu bịch.
- Làm vệ sinh chưa được kỹ.
- Tưới thẳng nước vào trong miệng bịch quá nhiều.
- Bịch tuột pH do nước tưới.
- Nhiệt độ môi trường nóng hầm và kèm theo các yếu tố trên
Khắc phục:
- Rút bông đúng ngày hoặc tùy theo thời tiết nếu có kinh nghiệm
- Hái nấm dứt khoát và vệ sinh kỹ cổ bịch
- Không tưới nước vào cổ bịch nhiều và sau khi vệ sinh xong nếu mùn cưa ở cổ ướt quá nên để nửa buổi cho khô bớt rồi hãy đóng nắp.
- Mua giấy quỳ tím về kiểm tra pH nước tưới, trung bình ở mức 7 – 8 đây cũng là môi trường mốc xanh khó phát triển. Nếu pH xuống mức 5 – 6.5 sẽ là điều kiện lý tưởng để mốc xanh phát triển.
- Giảm nhiệt độ trại bằng cách tưới nền và tưới lên bịch.
À có một vài người đã gọi điện hỏi Tú là nguyên nhân này do có trộn mùn cưa cũ. Cũ của mình là bịch phôi bị hư từ lúc kéo tơ, còn một số nơi khác có thể là mùn thải sau khi đã thu xong toàn bộ nấm.
Chưa hẳn mùn mới 100% là tốt đâu nhé mọi người và mình cũng đã trộn mùn cũ (cũ theo cách của mình) vẫn thấy tốt và đảm bảo. Còn trộn mùn cũ thải mình chưa thử (tức là đã thu nấm xong) vì chỗ mình họ thu về làm nấm rơm, ai đã thử cách này rồi cho mình kết quả tham khảo nhé.
Bệnh trên nấm bào ngư
6. Nấm bào ngư bị héo vàng
Nguyên nhân do bị gió lùa trực tiếp hoặc ánh nắng chiếu thẳng vào, do dàn trại không được che chắn kỹ dẫn tới trại không đủ điều kiện để giữ ẩm hoặc tránh gió.
Khắc phục: Che chắn kỹ kín gió thổi trực tiếp vào nấm và tưới đủ nước
7. Nấm bị vàng úng, thối nhũn
Nguyên nhân: Do tưới quá nhiều nước và độ ẩm quá cao trên 95%
Khắc phục: Giữ ẩm vừa phải và tưới nước hợp lý, kéo bạt hoặc mở cửa sổ giúp thông thoáng khi trại ẩm ướt vượt ngoài mức cho phép.
8. Nấm nhỏ và bị vàng héo khi mới ra đợt đầu
Nguyên nhân: Do nước vàng hoặc bịch thừa chất dinh dưỡng
Khắc phục: Để trại thoáng mát hạn chế nước vàng. Những bịch nấm bị nhỏ vàng và héo chúng ta hái và vệ sinh sạch, cạo luôn lớp tơ trắng ở cổ, đóng nắp đợi nấm lần sau.
9. Chân nấm dài, tán nhỏ không bung
Nguyên nhân: Do thiếu oxy, ngộp, hầm hơi, thời tiết thay đổi
Khắc phục: Kéo bạt hoặc cửa sổ cho thoáng trại, mở nấm cho nấm ra với mật độ vừa phải.
10. Tai nấm bị cuốn
Nguyên nhân: Do thời tiết chênh lệch giữa ngày và đêm. Dạng như ngày nóng 33oC đêm xuống 22oC độ.
Khắc phục: Quấn bạt thật kỹ sẽ hạn chế được phần nào.
11. Tai nấm nhăn, hơi khô và trắng
Nguyên nhân: Do thiếu ẩm trong bịch, tơ nấm ở cổ bịch bị chai và già.
Khắc phục: Giữ trại đủ ẩm, thu nấm ở mức vừa phải, vệ sinh xong đóng nắp tránh để gió lùa thẳng vào cổ bịch khi đang mở quá lâu. Tơ bị chai thì cao lớp tơ và một phần mùn cưa cứng ở cổ. Khi bịch bị khô cổ hoặc mất ẩm nên tưới nước thẳng vào trong cổ bịch như vậy nấm mới có thể ra được.
12. Nấm bị khô, nhạt màu và rũ xuống
Nguyên nhân: Do gió thổi trực tiếp vào nấm, trại thiếu ẩm và nấm thiếu nước.
Khắc phục: Quấn bạt kỹ và chỉ nên để hở ở dưới chân khoảng 20 – 30cm cho thông thoáng, tưới nước nền giữ ẩm và tưới trực tiếp lên nấm.
Tưới càng nhiều nấm sẽ càng tối màu, ngược lại nếu tưới ít nấm sẽ trắng màu.
Đọc tới đây mọi người nên xem lại cách tưới nước cho nấm bào ngư tại đây
13. Quả thể và bịch bị sâu bọ phá
Nguyên nhân: Do không vệ sinh kỹ bịch bị thối dẫn tới đen đầu và trại không quét dọn sạch sẽ. Đây là điều kiện để ruồi giấm, bọ cứng… kéo tới đẻ trứng.
Khắc phục: Giàn trại che chắn kỹ, dùng lông não buộc vào túi lưới rồi treo xung quanh giàn. Quét dọn sạch sẽ và rắc vôi ở nền trại. Vệ sinh cổ bịch sạch,
Dùng thuốc Bacca hoặc regent pha với nồng độ loãng bằng 1/3 công thức xịt lên toàn bộ trại trước lúc lấy bịch nấm về và sau khi xả trại. Ngoài ra có thể dùng các chế phẩm sinh học xịt lên bịch trong trại để đuổi sâu bọ sau khi đã đóng nắp.
Lưu ý: Nên làm kỹ tất cả các khâu, vệ sinh cổ kỹ, dọn sạch trại, che chắn kỹ sẽ mang lại hiệu quả cao. Cho dù các bạn có xịt thuốc trong trại cũng sẽ không loại bỏ được hoàn toàn sâu bệnh nếu các khâu trên không làm tốt.
14. Nấm bị đen, bầm tím, vàng héo và chết
Nguyên nhân: Do thời tiết thay đổi đột ngột, nếu như trời quá lạnh khoảng 10 – 13 độ làm nấm ra rất chậm hoặc làm nấm vừa ra đã bị đen hoặc bầm tím (hư nấm) không thể phát triển. Nếu thời tiết thay đổi quá đột ngột nóng quá nhanh làm nấm bị sốc dẫn đến nấm vàng héo.
Ở những thời điểm này nên điều chỉnh phù hợp, nóng thì giữ ẩm và tưới nhiều, nếu lạnh thì che chắn bạt kỹ hoặc không nên cho ra nấm thời điểm khắc nghiệt như vậy.
15. Bịch trắng nhưng ra không đều hoặc không ra ở những lần đầu
Rút bông quá sớm
Khi chưa đủ ngày rút bông và đóng nắp sau đó khoảng 7 ngày sau ép cho ra nấm. Vấn đề này muôn thủa, nôn nóng muốn nấm ra sớm, thời gian sẽ không thể rút ngắn lại được thậm chí còn mất thời gian hơn là rút bông đủ ngày.
Khắc phục: Nên rút bông sau khoảng 60 – 70 ngày từ ngày cấy meo tùy theo thời tiết. Hoặc nấm ra bói đều trước thời gian yêu cầu nhưng vẫn đảm bảo chỉ xê dịch vài ngày ở mức độ 60 ngày.
Ra bói đều ở đây tức là với 10000 bịch, trong số đấy có khoảng như 500 – 1000 nấm chui ra khỏi bông lác đác và rải đều khắp 10000 bịch đấy, thì hãy rút bông đóng nắp toàn bộ. (Đừng vì 1 hoặc 10 bịch ra bói trong số đấy mà rút bông toàn bộ, đôi khi do quá khỏe dẫn đến một vài bịch này sẽ ra trước, canh theo những bịch này là chưa đúng)
Rút bông quá trễ
Trung bình 70 ngày là được nhưng bạn lại để tới 100 ngày (kèm theo các yếu tố thời tiết…) sẽ làm bịch bị khô và ra nấm kém.
Đóng nắp quá lâu
- Vì lý do như bạn lỡ rút bông quá sớm (đấy là lý do ở trên mình có nói là sẽ tốn thời gian nhiều) hoặc bạn chưa muốn nấm ra ở thời điểm này, thời gian này có thể kéo dài khoảng 20 ngày hoặc hơn.
- Thời tiết nóng làm hệ tơ phát triển nhanh ăn đầy khắp cổ hoặc chai cứng quanh cổ
Khắc phục: Cạo nhẹ lớp tơ đó đi và đóng nắp lại, sau khoảng 7 ngày tưới sốc nhiêt và mở nắp cho ra nấm bình thường, tưới lên bịch để tơ kéo chậm lại.
Độ ẩm chưa đủ, sốc nhiệt chưa đúng
Giữ ẩm trại 70 – 80% sau đó tưới lên bịch và mở nắp. Nếu điều kiện quá khắc nghiệt có thể tưới phun sương lướt vào trong cổ bịch để tăng ẩm nhiều lần trong ngày.
16. Chỉ ra 1 – 2 quả thể có cuống to
Nguyên nhân: Vệ sinh bịch sai cách, cạo vào phần mùn cưa quá nhiều càng ngày càng sâu. Thu nấm ở đượt trước quá to và mở nắp chưa đúng ngày.
Khắc phục: Vệ sinh ở cổ bịch cạo đi những gì còn sót lại và cạo nhẹ vào lớp tớ trắng nếu có. Thu nấm ở mức vừa phải và nên mở nắp dài thêm ngày nếu đợt trước thu quá to.
Xem cách làm vệ sinh cổ bịch nấm tại đây
Thử nghiệm thực tế
Tú đã thử nghiệm ở môi trường ngoài trời, dưới gốc cây và quây lưới đen thì gần như bịch bị gió thổi trực tiếp 100% (đây là bịch được loại ra do không đạt chuẩn để mang đi treo), đặc biệt là không tưới luôn nhé, nói chung là đầy đủ các yếu tố tác động: nắng – gió – mưa… chỉ đóng nắp 2 lần đầu, hái nấm tự do thoải mái không vệ sinh cổ.
- 2 – 3 đợt đầu nấm ra rất tốt do bịch mạnh và đã có dấu hiệu bị bệnh (mục 4 – 5 – 6 phía trên)
- Đợt thứ 4 nấm bắt đầu có bịch ra bịch không (trên bịch và trên nấm đã bị bệnh nhiều)
- Đợt thứ 5 đã có nhiều bịch bị hư và ra không đều (đến đây coi như xong phải loại bỏ tất cả bịch này để xử lý không thì nhiễm hết cả trại)
- Trung bình thu khoảng được 200g lưu ý là để nấm to (dùng ăn trong gia đình)
Kết quả ghi nhận được cho thấy nấm bào ngư xám khá khỏe, có thể thích nghi tốt với biên độ thời tiết rộng, nên mọi người cứ yên tâm về giống nấm bào ngư xám này.
Nếu ai có kinh nghiệm trong việc phòng và chữa bênh cho bịch phôi và nấm bào ngư hãy góp ý thêm để bài viết được hoàn thiện hơn, nhằm chia sẻ kiến thức đến những người đang trồng loại nấm này, có thể cùng nhau phát triển tốt hơn
Bên mình có cung cấp phôi nấm Bào Ngư và Linh Chi không? có hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra không?
nấm e ra đợt thứ 2 tai nấp bị nứt vở nhiều.
Nấm e cho ra đợt 2-3 thì bị qoắn xoăn lại và nổi hột nhỏ nhỏ trên tay nấm !cho e hỏi nguyên nhân và cách khắc phục ạ
Cho mình hỏi phôi của mình gần 2 tháng như từ khi nhận hàng về bị tháo mồ hôi rất nhiều. Đến nay đã 10 ngày mà vẫn chưa phục hồi. Vậy giờ xử lý như thế nào bạn?
Nấm mình bị lỡ loét trên thân nấm mình không biết là nấm bị gì nữa mong mọi người giúp đỡ