Hiện nay khởi nghiệp mô hình trồng nấm không chỉ có ở những vùng nông thôn mà ngay cả ở những thành phố lớn như Hồ Chi Minh hay Hà Nội… đều được khá nhiều người quan tâm, nhưng để thực hiện được một mô hình đơn giản chúng ta phải trải qua nhiều yếu tố mới có thể thành công.
Ngành nghề trồng nấm ở nước ta đã phát triển khá lâu, nhưng đối với nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ thì có vẻ khá mới, để trồng được nấm không đơn thuần chúng ta đưa về chăm sóc là được mà phải có định hướng rõ ràng. Vậy chúng ta cần chuẩn bị những gì để bắt đầu với cây nấm.
1. Học kinh nghiệm từ thực tế
Để có thể trồng nấm, bạn phải có kiến thức về nấm, ưu nhược điểm của từng giống loài thích hợp với môi trường khí hậu ra sao và kỹ thuật làm trại nuôi trồng nấm. Trồng nấm thật sự là không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải chịu khó, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu chăm sóc.
Cách nhanh nhất và đơn giản là bạn hãy đến các trang trại trồng nấm gần nhất hoặc các cơ sở hay hợp tác xã trồng nấm… để học hỏi, bạn có thể xin ở lại nhà dân nhằm tìm tòi, học hỏi phương pháp, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật ủ, hấp để phôi ra nấm, kỹ thuật làm bịch phôi nấm… Các bạn đừng ngại nếu như bạn có ý chí ham học hỏi họ sẽ chỉ bạn một cách cặn kẽ nhiệt tình.
2. Định hướng phát triển
Bạn nên định hướng trước nên trồng nấm gì, mô hình lớn hay nhỏ, đầu ra cho sản phẩm ở đâu, khách hàng mục tiêu là ai… và hãy nghiên cứu thị trường thật kỹ từ đó lập ra kế hoạch kinh doanh chi tiết là việc bạn cần làm trước khi bắt tay vào làm thật. Càng chi tiết, chi ly bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Bạn sẽ có cái nhìn tổng quát và toàn cảnh về việc mình sẽ làm sắp tới cũng như không bỏ sót khâu nào khi triển khai.
Muốn sản xuất và kinh doanh nấm, ngoài nơi nuôi trồng sản xuất, phải có cả kênh phân phối hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của mình. Mô hình kinh tế trang trại này có thể kết hợp nhiều nhà đầu tư khác để tiết giảm nhiều khâu trong quá trình nuôi trồng cây nấm.
3. Chuẩn bị vốn
Tùy vào định hướng mô hình của bạn đề ra có thể gia đình nhỏ hay trang trại lớn mà bạn chuẩn bị vốn kinh doanh phù hợp. Tất nhiên vốn càng lớn thì sẽ càng thuận lợi và bạn nên có vốn dự trù những khoản sẽ phát sinh trong quá trình nuôi nấm, có khoản kinh phí cho những tháng đầu chưa ra sản phẩm và chưa có lãi.
Tùy vào từng loại nấm mà chi phí ban đầu sẽ khác nhau. Thông thường vốn ban đầu từ 60 triệu đồng trở lên (đầu tư xây dựng nhà trại, mua bịch phôi giống… với quy mô trên 10.000 phôi).
4. Tìm nguồn giống
Hiện nay có khá nhiều công ty cung cấp phôi nấm, giống nấm ra thị trường và để tránh rủi ro cao bạn không nên tự sản xuất phôi giống, nên mua bịch phôi về để tự chăm sóc với sự hỗ trợ kỹ thuật từ nơi bán và kỹ thuật học được từ đi thực tế.
Mua phôi giống cũng không đơn giản cho người mới bắt đầu, giá thành như thế nào hợp lý, chất lượng phôi nấm ra sao. Vì sao ngay phần 1 bài này đã nhắc tới phải học kinh nghiệm từ những người đã từng nuôi trồng để biết sản lượng hay giá thành đầu vào và đầu ra từng loại nấm.
Bạn nên tìm đến những địa chỉ đáng tin cậy, đảm bảo và uy tín thay vì tìm nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh nấm không lên, hỏng và thua lỗ.
Có rất nhiều loại nấm (nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm rơm, nấm sò, nấm mộc nhĩ…), do đó bạn phải am hiểu và nghiên cứu để chọn giống nấm có giá cả ổn định, mối tiêu thụ rộng khắp trên thị trường.
5. Địa điểm trồng nấm
Bạn có kho bãi, chuồng trại, thậm chí là căn phòng nhỏ là có thể thực hiện được, hoặc cần một diện tích khoảng 50m2 trở lên để nuôi trồng với 10000 bịch trở lên, đối với những người mới nuôi trồng có thể đây cũng là một con số lớn. Nhưng trước tiên bạn có thể trồng thử nghiệm khoảng 1000 – 5000 phôi để nắm rõ đặc điểm của loại nấm mình cần trồng để tránh bỡ ngỡ.
Nên trồng loại nấm nào
Nấm có nhiều loại nhưng phổ hiến hiện nay có 4 loại: nấm rơm; bào ngư/ nấm sò trắng; linh chi; mộc nhĩ có đầu ra tương đối ổn và kỹ thuật nuôi trồng không quá phức tạp.
10.000 phôi | Nấm rơm | Nấm sò/bào ngư | Nấm linh chi | Nấm mộc nhĩ đen |
Rủi ro | Trung bình | Thấp | Cao | Trung bình |
Đầu tư | 15 – 20 triệu | 60 triệu | 65 triệu | 55 triệu |
Đầu ra | Thấp (60k/kg) | Ổn đinh (30k/kg) | Thấp (300/kg) | Không ổn định (70k/kg) |
Năng xuất | / | 220g/phôi | 13g/phôi | 40g/phôi |
Lưu ý: Nấm rơm không được trồng bằng phôi và chăm sóc treo hoặc để kệ trên giàn nên chỉ mang tính chất tham khảo. Các con số trên chỉ ở mức tương đối và để tham khảo.
Hãy nhớ rằng có mày mò trên Internet hay trên sách vở lý thuyết cũng chỉ mang tính chất tham khảo nếu không đi thực thế thì rất khó thực hiện.